Paper story 24: Bao bì xanh

          Sử dụng bao bì xanh trong sản xuất, đóng gói và tiêu dùng đang là xu hướng chung của thế giới, điều này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
          Với xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng xanh trên khắp thế giới và đặc biệt là tại các nước phát triển, điều này đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ còn chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Điều này có nghĩa từ nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất cho đến quá trình đóng gói và phân phối sản phẩm đều phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Hiện bao bì xanh đã và đang được các nước nhập khẩu cũng như người tiêu dùng quan tâm.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Nhìn từ câu chuyện “Bao bì xanh”
          Hiện các quốc gia trên thế giới đề cao vấn đề phát triển xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, tái chế trở thành xu hướng mới, kể cả sản phẩm bao bì, cao su, may mặc, gỗ... Bao bì thân thiện với môi trường sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.
          Theo các chuyên gia, xuất khẩu của Việt Nam có độ mở cao. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 732,5 tỷ USD, 800 tỷ USD sẽ là mục tiêu xuất khẩu của năm 2023. Hiện các nước đề cao vấn đề phát triển xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cho nên tái chế trở thành xu hướng mới, kể cả sản phẩm bao bì, cao su, may mặc, gỗ...
          Chia sẻ về vấn đề này ông Tomaso Andreatta - Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh của EuroCham nhận định: “Bao bì thân thiện với môi trường được người tiêu dùng lựa chọn hơn. Các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ và có hướng chuyển dịch kịp thời tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm”.
          Về đóng gói, bao bì cho thị trường nội địa và xuất khẩu, ông Tomaso Andreatta cũngcho rằng, theo xu hướng hiện nay, bao bì phải phù hợp với quy cách mới về thân thiện với môi trường. Đồng thời, ghi nhãn bao bì đúng là những cái rất mới và quan trọng hơn bao bì đẹp. Bao bì đẹp cũng tùy phân khúc khách hàng, cái đẹp là cái tinh tế nhất, hấp dẫn nhất song quan trọng vẫn là quy cách.
          Hiện nay, Nhật Bản thu gom 600.000 tấn ống nhựa trong đó trên 90% được quay về sản xuất. Các nước đã tái chế bao nylon từ hàng chục năm trước. Còn Việt Nam đang đem chôn rác và đốt rác nhưng không thể đốt được vì chưa phân loại. Cả triệu tấn nhựa hiện chưa tái chế được.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Nhìn từ câu chuyện “Bao bì xanh”
          Ông Cao Văn Sơn-Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn mác của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu còn rất hạn chế. Trong khi đó, các nước đang áp dụng kinh tế tuần hoàn. Muốn tuần hoàn thì phải dùng nguyên liệu tái chế. Sản phẩm phải quay lại giấy phải trở về giấy, ống nhựa phải trở về ống nhựa.
          Theo khảo sát, thị trường bao bì “xanh” đã và đang có tốc độ tăng trưởng ổn định trên toàn cầu. Giá trị bao bì đã tiến sát đến con số 500 tỉ USD/năm, tăng trưởng bình quân 12%/năm. Ở Việt Nam, con số tăng trưởng là 13,4%/năm.
          Hiện Việt Nam đang có khoảng trên 4.500 doanh nghiệp sản xuất bao bì, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như Đông Nam bộ 2627 doanh nghiệp, Đồng bằng sông Hồng có 1311 doanh nghiệp, Tây Nguyên 23 doanh nghiệp, Tây Bắc 5 doanh nghiệp.
          Tuy nhiên, khi nền công nghiệp hàng hóa phát triển, bao bì không chỉ dừng lại ở chức năng chứa đựng và bảo vệ sản phẩm mà nó còn được xem là chiếc áo của sản phẩm, là bộ mặt của thương hiệu, là một trong những yếu tố quan trọng giúp tác động và khích lệ hành vi của người tiêu dùng.
          Bao bì bền vững là sự phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Hoạt động này làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái của chất thải sản phẩm tiêu dùng.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Nhìn từ câu chuyện “Bao bì xanh”
          Ông Dominic Mason - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Công ty Sedgwick Richardson khẳng định: “Xu hướng cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần không còn là điều mới mẻ trên thế giới. Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, hộp đựng thực phẩm, ống hút nhựa, túi nilong như Canada, Hàn Quốc, Chile, bang New South Wales, New Zealand,...”.
          Tuy nhiên ông Dominic Mason cũng cho rằng áp lực vẫn tiếp tục gia tăng khi các luật và quy định mới được thực hiện trên toàn cầu để hạn chế ô nhiễm và khuyến khích tái chế. Đơn cử như các quy định đối với các mục tiêu bắt buộc về tỷ lệ tái chế, thuế và phí về ô nhiễm, các tiêu chuẩn báo cáo nghiêm ngặt và tuân thủ về ghi nhãn mác… Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cũng đang xem xét quy định bắt buộc tái chế chất thải bao bì.
          “Điều này giúp giảm thiểu rác thải nhựa- nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sống hiện nay của cả con người và hệ sinh thái đặc biệt là sinh thái biển”, ông Dominic Mason khẳng định.
          Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ rất khả quan khi có sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
          Trong khi đó ông Cao Văn Sơn khẳng định, sử dụng túi giấy thay cho túi nilon không những bảo vệ môi trường mà còn thể hiện sự sang trọng, thời trang của người dùng. Túi giấy không chỉ để đóng gói sản phẩm mang đi mà còn là phụ kiện khi đi dạo chơi mua sắm cũng rất đẹp và tinh tế.
          “Tuy nhiên không gì rẻ bằng bao bì nhựa nhưng điều này phải thay đổi để bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi công nghệ và xu hướng sử dụng bao bì. Chi phí cho phát triển bền vững, kinh tế xanh không hề rẻ và chúng ta phải chấp nhận điều đó”, ông Sơn cho biết thêm.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Nhìn từ câu chuyện “Bao bì xanh”
          Hiện Viện Công nghiệp Giấy và Xenlulo, công ty TNHH Trí Minh cũng đã tiến hành sản xuất các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường như các bao bì giấy, túi giấy, ống hút…có chức năng như các sản phẩm nhựa. Điều này sẽ góp phần vào sự nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam.
          Những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng bao bì xanh: Trước thách thức về ô nhiễm môi trường, tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi, nắm bắt được điều đó, nhiều doanh nghiệp đã đi tiên phong trong sử dụng bao bì xanh.
          Từ trước đến nay, các thương hiệu thường ưu tiên sự hấp dẫn của bao bì và chi phí hơn là tính bền vững với môi trường. Điều này cần xem xét lại khi các quy định mới từ các thị trường quốc tế và tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi khi mà tính bền vững của môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu.
          Ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thuận Đức (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, bao bì thân thiện môi trường là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Việc sử dụng các loại bao bì này không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững,…
          Theo ông Sỹ, với xu hướng này, các công ty sản xuất bao bì sẽ sử dụng 100% vật liệu an toàn, có thể tái chế, dễ tiêu hủy trong thời gian ngắn, không gây hại đến sức khỏe con người cũng như môi trường. Các loại nhựa thông thường sẽ sớm được thay thế bằng các vật liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, một bao bì thân thiện với môi trường được thể hiện qua những hình ảnh thuộc về tự nhiên, hình ảnh vẽ bằng tay hoặc in biểu tượng lên bao bì,…
          Một số loại bao bì “xanh” có thể kể đến là: túi vải PP, túi vải PP không dệt, túi giấy, hộp giấy, túi cói,… Ngày nay, những sản phẩm này đều đã trở nên khá phổ biến, đã trở thành xu hướng toàn cầu, giúp bảo vệ môi trường sống an toàn, thể hiện trách nhiệm với toàn xã hội.
Bài 2: Những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng bao bì xanh
          Bên cạnh đó, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.
          Để thực hiện các xu hướng trên, doanh nghiệp được xác định là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
          Là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm tại Việt Nam, Unilever Việt Nam đã cam kết có những hành động cụ thể trong việc giảm thiểu phát thải đặc biệt là rác thải nhựa thông qua kinh tế tuần hoàn.
          Tính đến thời điểm hiện tại, Unilever Việt Nam đã giảm 100% phát thải CO2 và giảm 100% rác thải là bìa carton cho hoạt động vận chuyển bao bì từ nhà máy cung cấp bao bì Công ty Dynaplast.
          Đồng thời Unilever đã triển khai và hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa, pallet hỏng, thùng carton… biến rác thải trở thành nguồn năng lượng và phân bón lành mạnh trở lại phục vụ cho sản xuất.
          Trong khi đó, với vai trò là doanh nghiệp phân phối hàng hóa tiêu dùng lớn tại Việt Nam với hệ thống các siêu thị mang thương hiệu AEON trên toàn quốc, thời gian qua AEON Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu rác thải nhựa, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
          Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ, sử dụng bao bì xanh là một trong những mục tiêu lớn tiêu AEON Việt Nam xây dựng và phát triển hệ thống phân phối, xuất nhập khẩu bền vững thông qua mục tiêu: Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Theo đó AEON Việt Nam đã cung cấp nhiều mẫu mã và sự lựa chọn túi thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng của đa dạng các khách hàng.
          Đơn cử như dịch vụ cho thuê túi- hỗ trợ khách hàng đưa ra những lựa chọn tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn. Khách hàng sẽ đặt cọc 5.000 đồng để đựng các sản phẩm khi mua hàng để giảm thiểu túi nilon, số tiền này khách hàng sẽ được hoàn trả vào lần mua hàng sau khi khách hàng mang túi đến trả.
Bài 2: Những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng bao bì xanh
          Bên cạnh đó, AEON Việt Nam cũng đã tối ưu hóa quy trình bao gói hàng hóa, giảm lượng túi phân hủy sinh học từ 5 túi/ giao dịch xuống còn 3 túi; chuyển đổi các vật liệu chứa đựng (khay, tô, ly, ống hút,…) từ nhựa & xốp dùng 1 lần sang chất liệu thân thiện môi trường như giấy, bã mía…; chuyển đổi thẻ thành viên chất liệu nhựa và phiếu chiết khấu giấy sang ứng dụng đi động.
          Đặc biệt, từ năm 2019 AEON Việt Nam đã dừng hoàn toàn việc bày bán và cung cấp các sản phẩm nhựa dùng 1 lần (khay, tô, dĩa, ống hút).
          Đến nay, 98% túi mua sắm tại các địa điểm kinh doanh của AEON Việt Nam được làm bằng chất liệu phân hủy sinh học – thân thiện môi trường”, bà Huệ cho biết thêm.
          Nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững, AEON Việt Nam cũng đã đồng hành và khuyến khích khách hàng thông qua một số sáng kiến như: “Tặng thưởng” cho các giao dịch từ chối túi ni-lông 1.000đ trực tiếp vào hóa đơn; đẩy mạnh truyền thông tực tiếp và truyền thông trực tuyến đến người tiêu dùng liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng và tiêu dùng bền vững nói chung; cuộc thi thiết kế túi môi trường cùng sinh viên ĐH Kiến Trúc; các hoạt động về tiêu dùng bền vững cho nội bộ: đào tạo kiến thức về môi trường cho nhân viên (đóng gói hàng, …), các hoạt động thi đua dùng ly riêng, mượn túi …
          Đánh giá về lợi thế thương hiệu và uy tín của các doanh nghiệp sử dụng bao bì xanh, ông Bùi Quang Sỹ cho rằng, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất bao bì hơn đối thủ khác trên thị trường.
Bài 2: Những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng bao bì xanh
          Tuy nhiên, các công ty sản xuất bao bì cũng phải đối mặt với những khó khăn như: tỉ suất lợi nhuận bị giảm do phải tăng chi phí sản xuất, các trở ngại về chuyển đổi công nghệ, số lượng người tiêu dùng nhận thức được việc cần phải sử dụng bao bì “xanh” vẫn chưa chiếm đa số,…
          Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ cho rằng, khó khăn mà AEON Việt Nam chủ yếu gặp phải trong quá trình thực hiện là đến từ việc giá thành của các vật liệu bao gói, hàng hóa thân thiện môi trường còn cao vì chưa được đầu tư công nghệ và hỗ trợ tài chính để sản xuất đại trà…
          Dù còn một số khó khăn, song đã có những tín hiệu tích cực từ nhận thức đến hành động của cộng đồng thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”.
          Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
          Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
          Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam: Chi phí cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu, các doanh nghiệp rất cần những chính sách đóng vai trò "lực đẩy" để ngành công nghiệp môi trường Việt Nam phát triển.
          Đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng từ nguồn nước, nguồn đất đến không khí, các chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không có sự thay đổi về nhận thức, tư duy, vẫn tiếp tục với thói quen cũ, sử dụng bao bì nilon và chai nhựa thì tình trạng môi trường sẽ trở nên nguy cấp, ảnh hưởng trầm trọng đến an sinh và cuộc sống xã hội
          Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, 2016 khoảng 2 triệu tấn thì hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
          Với lượng rác thải khổng lồ như vậy nhưng việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn rất hạn chế. Ước tính, mới có khoảng 11-12% lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
          Đối với nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt. Việc xử lý chất thải như vậy đã, đang gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả khó lường đối với sức khỏe con người và vạn vật trên trái đất.
Bài 3: Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam
          Trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/7/2022, Việt Nam đứng vào hàng là một trong những quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới với ước tính khoảng số lượng khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm.
          Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. "Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn", báo cáo viết.
          Mặc dù các mục tiêu trong Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” là khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn khi “vấn nạn” sử dụng túi nilon truyền thống vẫn còn rất phổ biến. Đặc biệt chi phí đầu tư cho phát triển bền vững thường đắt hơn
          Ông Joshua Breidenback – Giám đốc sáng tạo của Rice Studios đã từng nhận định:“Mọi giải pháp ngoài nhựa đều đắt hơn. Nên các thương hiệu luôn biện minh cho chi phí cao hơn như là một phần trong ngân sách tiếp thị của họ".
          Chi phí cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu và điều này phụ thuộc rất nhiều vào các quy định định của nhà nước và yêu cầu của các đối tác sẽ có tác động mạnh mẽ thực sự trong tương lai khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.
          Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường
          Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
          Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải Đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện, song vẫn chưa đầy đủ hoặc còn những bất cập nhất định. Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, có những tác động rất nguy hại tới môi trường, nhưng chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải này, đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần.
Bài 3: Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam
          Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế)… nhưng hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn một số bất cập.
          Để khắc phục những bất cập hiện nay, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng-Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa...
          Liên quan đến vấn đề này nhiều chuyên gia khuyến nghị cần có quy định về tái chế, tài chính cho tái chế một cách cụ thể hơn chứ không chung chung như hiện nay để dễ quản lý, giám sát.
Bài 3: Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam
          Những sản phẩm không tái chế được không cho đầu tư, không duyệt dự án. Cần xây dựng những quy định trên cơ sở phù hợp. Khuyến khích cho doanh nghiệp làm tái chế để doanh nghiệp nào cũng muốn làm tái chế vì tái chế có mang lại lợi nhuận.
____________________________________________________________
(Theo Thu Hường)

Để cập nhật thêm thông tin về giấy thực phẩm không thấm dầu, quý khách vui lòng liên hệ
GiấyThựcPhẩm.vn
Tel:         024.37172642
Mobile:  0903426662 - 0912379001

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.